Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Tóm lược về Hệ thống Thuế Việt Nam


Sổ tay này cung cấp thông tin tóm lược dựa trên những văn bản pháp luật về thuế và thông lệ về thuế hiện hành, bao gồm một số dự thảo, tính đến thời điểm 28/02/2013.

Sổ tay này chỉ đưa ra những hướng dẫn mang tính tổng quát nhất. Việc áp dụng các quy định có thể thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp và từng giao dịch cụ thể, do đó xin quý vị vui lòng liên hệ với các chuyên gia tư vấn về Thuế và Pháp luật của chúng tôi để được tư vấn cụ thể.

Hệ thống thuế

Tổng quan

Hầu hết các hoạt động kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của những loại thuế sau đây:
• Thuế thu nhập doanh nghiệp;
• Thuế nhà thầu;
• Thuế chuyển nhượng vốn;
• Thuế giá trị gia tăng;
• Thuế nhập khẩu;
• Thuế thu nhập cá nhân của nhân viên người Việt Nam và nhân viên người nước ngoài;
• Các khoản đóng góp vào bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, các loại thuế khác có thể có ảnh hưởng đến một số hoạt động nhất định, bao gồm:
• Thuế tiêu thụ đặc biệt;
• Thuế tài nguyên;
• Thuế áp dụng đối với bất động sản;
• Thuế xuất khẩu;
• Thuế bảo vệ môi trường.
Tất cả các loại thuế này đều được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam hiện không áp dụng thuế ở cấp địa phương.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)

Thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)

Thuế suất

Thuế suất thuế TNDN áp dụng đối với các doanh nghiệp (thông thường là các công ty) được quy định trong Luật thuế TNDN. Mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%. Thuế suất thuế TNDN đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam là từ 32% đến 50% tùy theo từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng dự án. Thuế suất thuế TNDN đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên quý hiếm (như vàng, bạc, đá quý) là 40% hoặc 50% tùy theo từng địa bàn.

Ưu đãi thuế TNDN

Ưu đãi thuế TNDN được áp dụng đối với các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư hoặc các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam khuyến khích đầu tư bao gồm giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng
và sản xuất sản phẩm phần mềm.

Thông thường mức thuế suất ưu đãi 10% được áp dụng trong thời hạn 15 năm và mức thuế suất ưu đãi 20% được áp dụng trong thời hạn 10 năm tính liên tục từ năm phát sinh doanh thu từ hoạt động được hưởng ưu đãi thuế. Hết thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi, thuế suất thuế TNDN phổ thông sẽ được áp dụng. Một
số lĩnh vực xã hội hóa (như giáo dục, y tế) được hưởng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Người nộp thuế có thể được hưởng ưu đãi về miễn thuế hoặc giảm thuế. Thời gian miễn thuế được tính liên tục trong một giai đoạn nhất định từ năm đầu tiên doanh nghiệp kinh doanh có thu nhập chịu thuế, sau đó là giai đoạn giảm thuế với thuế suất giảm ở mức 50% so với mức thuế suất đang áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong vòng 3 năm đầu từ năm đầu tiên có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế, thì thời gian miễn thuế/giảm thuế được tính từ năm thứ tư kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các tiêu chí để được hưởng ưu đãi miễn và giảm thuế được quy định cụ thể trong Luật thuế TNDN.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, và vận tải sử dụng nhiều lao động nữ hoặc người dân tộc thiểu số được hưởng thêm các ưu đãi giảm thuế khác.

Ưu đãi thuế TNDN không áp dụng đối với các khoản thu nhập khác, tuy nhiên định nghĩa về các khoản thu nhập khác này bao gồm rất nhiều khoản thu nhập.

Kể từ 01/01/2012, theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (“WTO”), ưu đãi thuế TNDN mà các doanh nghiệp được hưởng do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu và tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu trong nước đã bị bãi bỏ. Doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế do đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu có thể lựa chọn và thông

Xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế được xác định bằng tổng doanh thu thu được, trừ các khoản chi phí được trừ, cộng với các khoản thu nhập chịu thuế khác.

Người nộp thuế phải lập tờ khai quyết toán thuế TNDN vào cuối năm tài chính trong đó thể hiện các khoản điều chỉnh giữa thu nhập cho mục đích kế toán và thu nhập chịu thuế cho mục đích tính thuế.

Các khoản chi không được trừ và được trừ

Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật và không thuộc danh sách các khoản chi không được trừ sẽ được trừ cho mục đích tính thuế TNDN. Một số ví dụ về các khoản chi không được trừ bao gồm:

• Chi khấu hao tài sản cố định vượt mức quy định hiện hành;

• Chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa vượt mức tiêu hao hợp lý đã được thông báo với cơ quan thuế;

• Tiền lương, tiền công cho người lao động thực tế không chi trả hoặc không được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể;

• Các khoản trích lập quỹ nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ không theo quy định hiện hành;

• Khoản trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm (trừ trường hợp doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật được phép trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm) và các khoản chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động vượt quá quy định của Luật Lao động;

• Chi phí quản lý kinh doanh do công ty ở nước ngoài phân bổ cho các cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức chi phí phân bổ theo doanh thu trong kỳ;

• Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp;

• Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh cho các đối tượng không phải là tổ chức kinh tế hoặc tổ chức tín dụng, vượt quá 1,5 lần mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;

• Các khoản trích, lập và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nợ khó đòi, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, bảo hành sản phẩm, hàng hóa hoặc công trình xây lắp không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng;

• Phần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi (không bao gồm chi phí nghiên cứu thị trường, chi phí tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, hoa hồng môi giới bảo hiểm và hoa hồng trả cho nhà phân phối của các công ty bán hàng đa cấp) vượt quá 10% tổng số chi được trừ (đối với các doanh nghiệp thành lập mới là phần chi vượt quá 15% tổng số chi được trừ trong 3 năm đầu, kể từ khi thành lập);

• Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trừ lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả cuối kỳ tính thuế;

• Các khoản chi tài trợ, ngoại trừ những khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, hoặc làm nhà tình nghĩa cho người nghèo có đủ hồ sơ xác định các khoản tài trợ;

• Các khoản tiền phạt vi phạm hành chính;

• Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn thuế, thuế TNDN và thuế thu nhập cá nhân.

Đối với một số các công ty như các công ty bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán, và xổ số kiến thiết, Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về các khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN.

Các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trước khi tính thuế TNDN.

Chuyển lỗ


Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì được chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo trong thời gian không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Các khoản lỗ từ các hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế TNDN được bù trừ vào lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế TNDN và ngược lại. Tuy nhiên, lỗ/lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, dự án, quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản không được bù trừ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Doanh nghiệp không được phép chuyển lùi các khoản lỗ. Việt Nam hiện không có quy định về việc cấn trừ lãi lỗ giữa các doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn.

Chuyển giá

Quy định về chuyển giá của Việt Nam liệt kê các trường hợp được xác định là giao dịch được thực hiện bởi các bên liên kết, đồng thời nêu rõ các phương pháp để xác định trị giá giao dịch theo giá thị trường, ví dụ phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, phương pháp giá vốn cộng lãi, phương pháp giá bán lại,
phương pháp so sánh lợi nhuận và phương pháp tách lợi nhuận.

Theo định nghĩa rộng về các bên liên kết, ngưỡng tỉ lệ kiểm soát để xác định mối quan hệ giữa các bên liên kết của Việt Nam thấp hơn so với nhiều quốc gia khác (20%), và định nghĩa này cũng mở rộng hơn, bao gồm cả các nhà cung cấp chính, khách hàng chính và các mối quan hệ bảo lãnh, cho vay chiếm tỷ trọng lớn.

Các yêu cầu lưu giữ tài liệu, thông tin đối với các giao dịch liên kết bao gồm việc kê khai hàng năm các giao dịch giữa các bên liên kết và các phương pháp xác định giá đã sử dụng trong tờ khai thông tin về giao dịch liên kết nộp cùng tờ khai quyết toán thuế TNDN.
Công ty có các giao dịch với các bên liên kết phải lập và lưu giữ báo cáo về phương pháp xác định giá thị trường và phải thường xuyên cập nhật.

Việt Nam gần đây đã thông qua quy định về cơ chế thỏa thuận giá trước về phương pháp xác định giá tính thuế theo đó cho phép người nộp thuế và cơ quan thuế thỏa thuận trước về căn cứ tính