Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Phương pháp tính thuế GTGT

Có hai phương pháp tính thuế GTGT là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp

Phương pháp 1 - Phương pháp khấu trừ

Phương pháp này áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

• Xác định số thuế GTGT phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

• Cách tính thuế GTGT đầu ra
Thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá tính thuế của hàng hóa dịch vụ chịu thuế (chưa bao gồm thuế) nhân với thuế suất thuế GTGT. Đối với hàng hóa nhập khẩu, giá tính thuế là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) thuế bảo vệ môi trường (nếu
có). Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp (trừ bất động sản), giá tính thuế là giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, trả chậm.

• Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Đối với hàng hóa dịch vụ mua trong nước, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được xác định dựa trên hóa đơn thuế GTGT mua hàng hóa, dịch vụ. Đối với hàng hóa nhập khẩu, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu. Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ có thể được kê khai và khấu trừ trong vòng 6 tháng kể từ tháng phát sinh. Điều kiện để khấu trừ thuế GTGT đầu vào là việc thanh toán phải được thực hiện qua ngân hàng, trừ trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào có trị giá thấp hơn 20 triệu đồng hoặc trong một số trường hợp doanh nghiệp chứng minh việc thanh toán được thực hiện theo phương thức bù trừ. Thuế GTGT đầu vào nộp thay cho các NTNN (theo chế độ thuế NTNN) cũng được khấu trừ khi tính thuế.

Các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ không chịu thuế không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Ngược lại, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ hưởng thuế suất thuế GTGT 0% hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trong trường hợp một doanh nghiệp vừa có doanh thu chịu thuế GTGT và doanh thu không chịu thuế GTGT, thì doanh nghiệp đó chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của phần hàng hóa hoặc dịch vụ mua vào được sử dụng trong hoạt động chịu thuế  GTGT.

Phương pháp 2 – Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT

Phương pháp này áp dụng đối với các cá nhân, hộ kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không theo Luật Đầu tư và hoạt động kinh doanh mua bán vàng, bạc và đá quý.
• Xác định thuế GTGT phải nộp

(Số thuế GTGT phải nộp) = (GTGT của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra)  x (Thuế suất thuế GTGT)

Trường hợp trong kỳ tính thuế phát sinh giá trị gia tăng âm từ hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào giá trị gia tăng dương của hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý trong cùng kỳ đó. Trường hợp không có phát sinh giá trị gia tăng dương hoặc giá trị gia tăng dương không đủ bù trừ giá trị gia
tăng âm thì được kết chuyển để trừ vào giá trị gia tăng của kỳ sau trong năm nhưng không được kết chuyển tiếp sang năm sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét